Tóm tắt lý thuyết
1.1. Các thành phần chủ yếu của thủy quyển
– Thủy quyển là toàn bộ nước trên Trái Đất, bao gồm nước ở các trạng thái lỏng, rắn và hơi.
– Nước trên Trái Đất không chỉ được chứa trong các biển, đại dương, trong sông hồ và băng hà, mà còn một lượng nước được chứa trong khí quyển, trong sinh vật, trong các lỗ hỗng của đất, các lỗ hổng và khe nứt của đá.
– Nước trên Trái Đất phân bố không đều, các biển và đại dương chiếm khoảng 97,2% lượng nước của thủy quyển.
– Lượng nước ngọt chiếm tỉ lệ rất ít (khoảng 2,8%) và phân bố không đều trên lục địa nhưng có vai trò hết sức quan trọng.
1.2. Tuần hòa nước trên Trái Đất
– Nước trên Trái Đất không nằm yên tại chỗ mà luôn vận động từ nơi này đến nơi khác tạo thành một vòng tuần hoàn khép kín, gọi là vòng tuần hoàn nước.
– Đại dương thế giới là nguồn cung cấp hơi nước chủ yếu cho vòng tuần hoàn này.
Bài tập minh họa
2.1. Các thành phần chủ yếu của thủy quyển
Nước có ở đâu trên Trái Đất? Ở đâu là nhiều nước nhất?
Hướng dẫn giải:
Nghiên cứu kênh thông tin trên trong SGK phần Các thành phần chủ yếu của thủy quyển.
Lời giải chi tiết:
Nước có ở trong biển, đại dương, trong sông hồ và băng hà, mà còn có một lượng nước chứa trong khí quyển, trong sinh vật, trong các lỗ hổng của đất, các lỗ hổng và khe nứt của đá.
Nước ở trong các biển và đại dương là chiếm nhiều nhất, khoảng 97,2%.
2.2. Tuần hòa nước trên Trái Đất
Đọc hình 17.2, hãy mô tả lại vòng tuần hoàn nước trên Trái Đất theo thứ tự từ 1 đến 7.
Hướng dẫn giải:
Quan sát sơ đồ hình 17.2 và mô tả lại vòng tuần hoàn nước lưu ý dựa vào thứ tự và hướng chỉ của mũi tên.
Lời giải chi tiết:
Vòng tuần hoàn nhỏ: nước biển bốc hơi tạo thành mây, mây gặp lạnh tạo thành mưa rơi xuống biển.
– Vòng tuần hoàn lớn: nước biển bốc hơi tạo thành mây -> mây được gió đưa vào sâu lục địa: ở vùng vĩ độ thấp, núi thấp mây gặp lạnh thành mưa; ở vùng vĩ độ cao và núi cao, mây gặp lạnh tạo thành tuyết -> mưa nhiều và tuyết tan chảy theo sông và các dòng ngầm từ lục địa ra biển -> biển lại bốc hơi,…
Trả lời